Tập gym, thể hình có bị lùn đi hay không?

Câu hỏi: "Tập thể hình có bị lùn đi hay không" có lẽ ám ảnh rất nhiều người có ý định tập thể hình.

Thực sự, đây không chỉ là thắc mắc của riêng người tập thể hình ở VN đâu, mà ở mọi nơi trên thế giới cũng có rất nhiều người thắc mắc về vấn đề này.

Câu trả lời là: KHÔNG, nếu bạn tập luyện đúng và hợp lý.

Để giải đáp vấn đề này, mình cần các bạn hiểu rõ các vấn đề sau:

Chiều cao của con người bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố chính:


+ Dinh dưỡng (32%).
+ Di truyền (23%).
+ Rèn luyện thể lực (20%).
+ Môi trường sống: ánh nắng, giấc ngủ, bệnh tật…

Trong thời kỳ phát triển chiều cao, phần xương sụn ở đầu xương sẽ là nơi kéo dài xương của bạn và làm chúng ta tăng chiều cao.

Chúng ta cao lên là nhờ nhà máy sản xuất xương: Đầu sụn. Còn hoocmon tăng trưởng là ông giám đốc ra lệnh cho nhà máy sản xuất bao nhiêu xương. Ông Chủ tịch hội đồng quản trị chính là Gen, ông ta quyết định cấp bao nhiêu vốn, nhà máy tồn tại trong bao lâu, sử dụng ông giám đốc nào.

Nhà máy sản xuất được bao nhiêu sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất (chính là dinh dưỡng) và môi trường sản xuất (môi trường sống).

Rèn luyện thể lực sẽ làm ông giám đốc khỏe hơn, thông minh hơn để ra những quyết định làm tăng chiều cao tốt hơn.

Tham khảo thêm: Chiều cao trung bình của người Việt so với khu vực và các yếu tố ảnh hưởng.

Tập thể hình: Mình muốn các bạn hiểu tập thể hình là tập luyện nhằm cải thiện sức khỏe và vóc dáng cơ thể.

Nó bao gồm rất nhiều bài tập và phương pháp tập: Với trọng lượng nặng có, với nhẹ có, hoặc chỉ cần với chính trọng lượng cơ thể bạn.

Chứ không phải cứ nói đến thể hình, đến tập gym là các bạn nghĩ ngay đến những anh chàng cơ bắp cuồn cuộn, đang gánh, đang đẩy những cục tạ còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể của họ.

Có 2 đối tượng chính chịu ảnh hưởng: Người trưởng thành với cấu trúc xương và sự phát triển xương đã ổn định.

Người chưa phát triển đầy đủ, cấu trúc xương chưa phát triển ổn định.

Các bác sỹ cho rằng với người Việt thì độ tuổi 17 trở lên thì hệ cơ xương đã đầy đủ. Độ tuổi này chỉ là tương đối, tùy thuộc vào mỗi người sẽ tuổi này khác nhau.

Theo mình, trên 18 tuổi, vào đại học thì bạn thoải mái tập luyện nhé.

Vì vậy, mình muốn đưa ra 2 câu hỏi chi tiết:

Tập thể hình phù hợp với sức khỏe, điều kiện thể chất của từng người:

  1. Tập tạ hợp lý có làm người trưởng thành lùn đi không?
  2. Tập tạ hợp lý có làm người chưa trưởng thành ngừng hoặc chậm phát triển chiều cao hay không?
Trả lời câu 1: Với người trưởng thành, tầm trên 17,18 tuổi, tập thể hình hợp lý thì không thể làm chiều cao của bạn giảm đi được.

Một số bài báo trên mạng nói là có thể ảnh hưởng nếu gánh tạ nhiều và nặng, nhưng thực sự chẳng có ai gánh tạ 5 lần 1 tuần cả, 1 tuần 1 buổi tập chân có tập bài squat hoàn toàn không thể làm bạn lùn đi.

Trả lời câu 2: Đối với các bạn còn trẻ, dưới 17,18 tuổi, hệ cơ xương vẫn chưa ổn định, việc tập luyện với tạ nặng có thể sẽ gây ảnh hưởng đến cơ thể bạn. 

Mình nhấn mạnh lại nhé: Tập thể hình với tạ nặng.

Nhưng chẳng ai bắt bạn phải tập nặng hay tập quá sức cả. Hãy tập trung chủ yếu chế độ tập của mình vào các bài sử dụng trọng lượng cơ thể, tập các bài được cho là có thể tăng chiều cao: Hít xà đơn, xà kép, hít đất, body squat, lunges, biceps ladder,...; Bổ sung với các bài tập tạ với trọng lượng vừa phải nếu muốn cơ thể phát triển nở nang hơn.

Dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc 8 tiếng 1 ngày thì chỉ có thể làm các bạn cao thêm mà thôi.

Tìm hiểu: Các bài tập với body weight có thể tập tai nhà.

Mình xin kể ra 1 vài ví dụ, tuy hiện tượng không thể nói lên bản chất, nhưng nó cũng làm các bạn yên tâm phần nào:

Arnold_Schwarzenegger tập thể hình từ năm 15 tuổi, vẫn đạt chiều cao 1m87.

Chắc ai cũng biết, Jeff Seid sinh năm 1994, tập luyện nâng tạ từ năm 12 tuổi, nhưng vẫn đạt chiều cao 1m82, không phải là cao so với người Mỹ cũng không hề bị lùn đi phải không nào.

Việc tập luyện hợp lý tăng cường hoocmon tăng trưởng của cơ thể, giúp bạn đạt chiều cao tốt hơn so với việc không chịu tập luyện.