Đau đầu khi tập gym, thể hình - Nguyên nhân, cách khắc phục, phòng tránh

Gần đây mình nhận được câu hỏi về hiện tượng đau đầu khi tập luyện thể hình, gym của bạn Pee Lê:

"Anh ơi. Sao dạo này tập thì đầu em đau kinh khủng, k biết nguyên nhân.... Anh có cách khắc phục k? Em cảm ơn"

Đây là một tình trạng khá nhiều anh em khi tập gym gặp phải và mình cũng là 1 trong số đó.


Rất may mắn là mình mới chỉ bị 2 lần, 2 lần nhưng trải nghiệm cái đau đó cũng thật kinh khủng, cách đây khoảng trên 7 năm rồi mà cảm giác đó vẫn còn nguyên vẹn trong đầu :(.

Đó là thời điểm học cấp 3, vẫn chưa đi tập gym có 1 thành xà bằng gỗ hình vuông để ở sân phơi trên cao. Khi đang gắng sức lên 1-2 cái cuối thì khực 1 cái, mặt mũi tối tăm, đầu như bị rìu bổ vào, đau nhức nhối ở vùng sau đầu. Cơn đau tăng và giảm y như nhịp đập của tim vậy. Cảm giác như có 1 quả bóng bay đang được bơm căng rồi lại nhả hơi, rồi lại bơm căng ép lên não vậy.

Nghỉ 1 lúc cơn đau dịu xuống rồi tập thử lại, đến cái thứ 2 thì dính ngay, thậm chí còn đau hơn lần đầu.

Hồi đó chẳng có kiến thức, cũng chẳng biết hỏi ai, tự ngồi suy ngẫm phân tích các yếu tố ảnh hưởng và khắc phục thế nào mà lại đúng phương pháp.

Sau khi nghiên cứu rất nhiều các tài liệu và bài viết trong cộng đồng gym thế giới, đa số đều không đưa ra lý giải có dẫn chứng y khoa về vấn đề đau đầu này (Chắc tại nó cũng không nguy hiểm lắm).

Phân tích đáng chú ý nhất và hợp lý nhất là của Nick Ryan, với kinh nghiệm hơn 10 năm là huấn luyện viên thể lực và là nhà đồng sáng lập công ty Agility. Power. Endurance. Xplosiveness. LLC (A.P.E.X. LLC).

Bài viết không phải là kiến thức y khoa. Vì vậy chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu bạn có bất cứ vấn đề nào thì hãy đi gặp bác sỹ để được tư vấn y khoa thực sự.

Bao gồm: Nguyên nhân, cách khắc phục và phòng tránh đau đầu khi tập luyện.

Thế giới gọi chung hiện tượng này là:  EXERTION HEADACHE (Đau đầu khi gắng sức).

Trước hết các bạn cần biết về 2 loại đau đầu khi tập luyện:

1. Đau đầu tiên phát: Thường ít nguy hiểm, nguyên nhân trực tiếp do vận động quá sức.
Triệu chứng: Tương tự như mình miêu tả tình trạng của mình ở trên.
Thường chỉ kéo dài trong 5' đến tối đa là 2 ngày.

2. Đau đầu thứ phát: Rất nguy hiểm, bởi do ảnh hưởng của 1 nguyên nhân bệnh lý khác như: Chảy máu, u,...
Triệu chứng:
- Giảm thị lực, nhìn phân 2
- Nôn mửa
- Mất ý thức
- Cổ cứng
Kéo dài rất lâu.
Đau đầu thứ phát cần được khám và chữa trị khẩn cấp.

Bài viết này của mình chỉ tập trung vào loại đau đầu loại 1:

I. Nguyên nhân

Đau đầu khi gắng sức thường xảy ra trong khi hoặc sau khi tập luyện những động tác đòi hỏi sử dụng sức lực rất lớn từ nhiều cơ bắp như: Squat, hít xà (pull up), deadlift... thực hiện động tác khi gần đến ngưỡng thất bại hoặc thất bại. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng não phía sau đầu.


Đó là khi tập luyện gắng sức quá độ, nhịp tim bị đẩy lên rất cao, đi cùng với đó là huyết áp tăng. Các mạch máu trong não bị giãn nở hơn mức bình thường và gây áp lực lên màng não.

Khi bạn nghỉ ngơi, nhịp tim và huyết áp giảm xuống làm con đau giảm xuống theo, nhưng vẫn còn đau âm ỉ do não rất nhạy cảm. Nếu bạn lại tiếp tục tập luyện ngay sau đó, cơn đau sẽ lại ập đến và có thể nặng hơn lần đầu rất nhiều.

Tuy nhiên, không phải cứ tập luyện gắng sức là bạn bị đau đau, nó còn là do sự kết hợp của các yếu tố sau (Có thể 1 hoặc nhiều yếu tố dưới đây):

1. Cổ đang ở tư thế không thuận lợi. (Điều này giải thích vì sao mình bị đau khi đang thực hiện động tác hít xà, do thanh xà là thanh gỗ hình vuông nên khi tập mình chỉ bám được 4 ngón tay, và cổ ngửa ra sau quá nhiều, dẫn đến chèn ép động mạch mãu lên não, kết hợp với những rep cuối gắng sức quá nên cơn đau xuất hiện).

2. Giữ hơi quá lâu (hoặc có thể chỉ 1 thời gian ngắn) khi tập. Ví dụ ở động tác đẩy ngực, bạn để tạ đi xuống và hít vào và bắt đầu giữ hơi từ điểm thấp nhất của tạ. Khi đẩy tạ lên đến điểm cao nhất mới bắt đầu thở ra. Đây gọi là giữ hơi, nó làm huyết áp tăng đột biến.

3. Để cơ thể bị thiếu nước khi tập luyện: Làm máu đặc hơn, lưu thông kém hơn.

4. Tập luyện ở nơi nóng bức, không thoáng khí thiếu oxy, ẩm thấp cũng có thể là 1 nguyên nhân quan trọng không kém.

II. Cách phòng tránh cơn đau đầu khi tập luyện

1. Tập luyện với trọng lượng vừa sức

2. Không để nhịp tim tăng nhanh đột biến và vượt quá mức mình có thể cảm nhận được là an toàn.

3. Tập luyện với tư thế chuẩn, kể cả chi tiết nhỏ nhất. Đây cũng là lý do vì sao khi tập deadlift hay squat bạn không nên để đầu ngẩng lên quá cao.

4. Luôn uống đủ nước khi tập luyện.

Đọc thêm: Nên uống bao nhiêu nước trước, trong và sau khi tập luyện.

Đừng quên cả uống nước trong cả ngày, hãy uống đủ nước làm sao cho nước tiểu luôn có màu trắng. Nước tiểu vàng thường có nguyên nhân đầu tiên do không uống đủ nước.

5. Không giữ hơi khi tập. Co cơ thì thở ra. Dãn cơ thì hít vào.

6. Tập luyện cardio thường xuyên hơn để tăng sức khỏe cho hệ tim mạch.

7. Không lao vào tập gắng sức khi tim bạn vẫn còn đang đập như điện giật. Đặc biệt là các bài squat, deadlift, có 1 nguyên tắc là chỉ tập hiệp tiếp theo khi nhịp tim, hơi thở và huyết áp đã trở lại ổn định.

8. Không kém phần quan trọng đó là ngủ đủ giấc. Ăn uống đủ chất.

9. Tập luyện ở những nơi thoáng khí, cố gắng ra ngoài hít thở thật nhiều oxy nếu bạn đang phải tập ở nơi thiếu oxy.

III. Nếu ngày hôm đó tập luyện mà bạn bị cơn đau đầu do gắng sức này

- Hãy dừng việc tập luyện ngay lập tức và nghỉ ngơi trong ít nhất 1 tuần. Trong 1 tuần này, hãy uống thật nhiều nước để giảm đau và phục hồi.

- Không tập lại bài tập đã gây đau đầu trong ít nhất 2 tuần và 1 số bài tập nặng khác có tiềm năng làm bạn đau đầu trở lại như: Squat, deadlift, pull up, chin up, legs press,..

- Trong 2 tuần, không tập gắng sức ở những rep cuối cùng nữa, hãy để cho những tổn thương có thời gian phục hồi.

- Tập luyện cardio nhẹ nhàng cải thiện tim mạch của bạn.

- Nên nhớ rằng bạn đã bị đau - bạn đã bị tổn thương và tổn thương cần thời gian để phục hồi. Việc vội vàng lao vào tập luyện có thể làm tổn thương trầm trọng thêm.

Hi vọng bài viết sẽ giúp ích được cho các bạn đã gặp hoặc có thể sẽ gặp vấn đề này.

Tốt hơn hết là đừng để mất bò mới lo làm chuồng, hãy phòng tránh và ngăn chặn nó xảy ra bằng cách tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm của người đã trải qua nó.

Mình xin nhắc lại 1 câu: Không cần phải sờ vào điện để biết điện nó nguy hiểm như thế nào.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi. Nhớ like và ủng hộ trên Fanpage Facebook và Youtube Channel nhé.

By: GymLord