Cách xử lý đúng khi gặp Chấn thương tập Gym, chơi thể thao

Chấn thương khi tập gym không hề hiếm gặp. Chấn thương trong thể hình có thể đến với bất kỳ ai, kể cả người mới tập hay đã tập lâu năm, đó cũng là 1 phần của thể hình, bởi đơn giản thể hình nó là 1 môn thể thao.

Những chấn thương thường gặp nhất đó là đau cổ tay, đau khuỷu tay, đau vai. Nguy hiểm nhất và tồi tệ nhất có lẽ là chấn thương lưng dưới.



Những năm qua GymLord gặp nhất nhiều câu hỏi từ các bạn muốn được tư vấn về các chấn thương đăng gặp phải. Có 1 điểm chung mà mình nhận thấy đó là anh em đều không biết cách xử lý chấn thương ngay khi vừa gặp phải trước khi tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ.

Có bạn đẩy ngực tạ đơn bị chấn thương cổ tay, lúc mới bị xong chỉ thấy nhức nhức, nhói nhói. Thế là vẫn tiếp tục tập, vừa tập vừa xoay xoay, lắc lắc, giựt qua giựt lại cổ tay cho hết đau. Hậu quả là sáng hôm sau khớp cổ tay giáp ngón út sung như cái chén, nóng đỏ tê nhức. Và phải tận nửa năm sau mới dám động vào quả tạ trở lại. Và cái cổ tay đau ấy không thể phục hồi lại 100% như ban đầu.


Vậy đấy có những chấn thương tưởng chừng nhỏ bé nếu không biết cách xử lý tức thời thì hậu quả thật dai dẳng.

Bài viết này của GymLord hi vọng sẽ giúp được các bạn trên con đường chinh phục quả tạ, xây dựng body đẹp của mình:

Phải làm gì và Điều gì không được phép làm ngay sau khi bị chấn thương để tránh nó nặng thêm!

Mình nhấn mạnh lại 1 điều, mọi chấn thương, chẩn đoán, điều trị đều cần tới bác sĩ, không đơn giản mà 1 bác sĩ học 7-10 năm để làm 1 việc mà 1 người bình thường có thể làm được.

Bài viết này chỉ cho bạn cách xử lý chấn thương tức thời đúng cách giúp vết thương chóng lành và tránh những hậu quả đáng tiếc do xử lý sai mà ân hận về sau.

Để cho các bạn dễ nhớ, GymLord sẽ điểm qua các nguyên tắc bạn cần làm khi xử lý các chấn thương: Người ta gọi là quy tắc, công thức R.I.C.E trong chấn thương thể thao (Gọi là công thức cơm gạo đi ^^).

Trước khi nói đến công thức R.I.C.E, GymLord muốn đặc biệt chú ý với các bạn điều sau (Cái này mình đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các bài về chấn thương trước đây)

- TUYỆT ĐỐI: Không được chườm nóng, xoa bóp các loại dầu nóng, kéo, lắc, nắn bóp vùng bị tổn thương trong 48h đầu khi bị chấn thương.

+ Vì khi chườm nóng các bạn làm cho vết thương chảy máu, bầm tím, sưng và viêm nặng hơn. (Có thể vết thương không hề hở chảy máu ra bên ngoài, nhưng mô rách và vết bầm tím chính là máu chảy ra ở trong vùng bị tổn thương dưới ra). Nếu bạn đã xem bài viết về chấn thương rách cơ ngực của GymLord thì có thể biết điều này. Các bạn đặc biệt lưu ý.

+ Việc kéo, lắc, nắn bóp vùng bị tổn thương có thể làm vết dập – rách – đứt – tăng lên, kéo dài phần bị tổn thương.

+ Đặc biệt với các tổn thương dây chằng (chấn thương cổ tay là điển hình) anh em nắn bóp, xoa các loại dầu sẽ kích thích hình thành các mô sợi cứng ở vết thương. Điều này làm gân, dây chằng mất đi tính đàn hồi của nó. Làm cho dây chằng yếu đi và rất dễ bị chấn thương trở lại.

Nhắc lại: Không chườm nóng, nắn, bóp, kéo, lắc, xoa dầu nóng vùng bị thương.

- R (REST): 

Ngay lập tức dừng động tác, buổi tập lại tại thời điểm phát hiện chấn chấn thương. Nếu có thể, nẹp cố định tạm thời vùng bị chấn thương từ 24 – 72 giờ đối với các chấn thương cổ tay, khuỷu tay...

- I (ICE):

Chườm đá, chườm lạnh vùng chấn thương trong 27 đến 72h sau chấn thương.
Chườm lạnh giúp giảm hiện tượng máu chảy nếu có tổn thương bên trong, giảm sưng, giảm đau, giảm viêm.

Thời gian: chườm đá nên chỉ từ 10-15 phút, không nên chườm quá lâu có thể gây bỏng lạnh, làm tổn thương thêm vùng bị đau. Lặp lại nhiều lần trong ngày.

Cách làm: dùng đá đập nhỏ hoặc nước đá đựng trong túi nylon, bọc khăn vải ướt bên ngoài, đặt chườm lên vùng tổn thương. 

“Ice massage” kết hợp giữa chườm lạnh và băng ép.

- Đối với những chấn thương nhỏ thì đau, sưng sẽ giảm rất nhanh.
- Đối với chấn thương trung bình đau, sưng sẽ giảm sau 24 giờ.
- Đối với chấn thương nặng thường đau và sưng sẽ giảm sau 72 giờ (cần phải có điều trị chuyên sâu sau đó).
- Thời gian chườm lạnh còn phụ thuộc vào vị trí tổn thương và cơ thể mỗi người (người béo thì chườm lâu hơn, người gầy thì chườm ít thời gian hơn)

- C (COMPRESSION) - băng ép: 


Quấn băng đè lên vùng bị thương giúp cầm máu tốt hơn, giảm sưng tím, phù. 
Băng đúng cách là quấn từ dưới 10-12cm lên quá vùng bị chấn thương 15-20cm. 

Chú ý: Băng quấn cần là loại rộng; lực quấn băng vừa phải, quấn quá chặt sẽ dẫn đến bị chèn ép mạch máu, màu không lưu thông dẫn đến không cung cấp đủ dưỡng chất cho vùng bị thương, thỉnh thoảng phải tháo băng.

- E (ELEVATION) - treo cao tay hoặc kê cao chân bị thương:
Kê cao phần chân, tay chấn thương giúp máu trở về tim tốt hơn, làm giảm sưng và viêm, đặc biệt đối với chi dưới, có thể nằm kê cao chân 10 – 15cm trong 24 – 72 giờ đầu.

- Gặp phải chấn thương lớn, bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức (Rách cơ ngực, rách bắp tay trước, lưng dưới,...)
- Nếu sau 24 – 72 giờ tổn thương không giảm nhiều, hoặc tổn thương ban đầu trầm trọng thì cần phải đi khám Bác sĩ Y Học Thể Thao.

Đọc thêm: Các chấn thương thường gặp trong thể hình.

Nếu anh em nào ở HN thì cố gắng hãy đến BV Thể Thao gần SVĐ Mỹ Đình hoặc mình nghĩ BV Việt Đức chuyên chấn thương, tai nạn có thể có nhiều kiến thức về các loại chấn thương.

Tham khảo: Điều dưỡng, Chào em.


GymLord